Nguyễn Gia Bảo THỦ TỤC NHẬN BÀN GIAO CĂN HỘ Ở CHUNG CƯ HH1-2-3-4 LINH ĐÀM

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

THỦ TỤC NHẬN BÀN GIAO CĂN HỘ Ở CHUNG CƯ HH1-2-3-4 LINH ĐÀM

CÁC VẤN ĐỀ LƯU Ý VỀ NHẬN NHÀ
CHO CƯ DÂN HH LINH ĐÀM

I. TRƯỚC KHI NHẬN NHÀ: BÀN GIAO NHÀ:
1. Giấy tờ chuẩn bị:
*Đối với thành viên không vay ngân hàng:
-  Hợp đồng gốc, CMT, sổ hộ khẩu, phiếu thu 4 đợt: Photo công chứng mỗi thứ 3 bản (riêng phiếu thu ko công chứng chỉ cần photo)
* Đối với thành viên vay vốn ngân hàng:
-  Hợp đồng gốc, CMT, sổ hộ khẩu, phiếu thu hoặc báo có 4 đợt: Photo công chứng mỗi thứ 3 bản (riêng phiếu thu và  báo có ko công chứng chỉ cần photo)
- Khi gửi giấy thông báo nộp tiền đợt cuối, chủ đầu tư sẽ gửi kèm 1 tờ giấy xác nhận. Mang tờ giấy xác nhận đó tới Ngân hàng nhờ banker điền tất cả các thông tin yêu cầu trong đó (kê số phiếu thu và báo có đã nộp cho bank, hợp đồng số ... ) rồi đóng dấu treo của Ngân hàng. Tờ giấy này rất quan trọng nên mọi người phải lưu ý. Nếu ko có tờ giấy này thì sẽ ko làm được các thủ tục tiếp theo tại Mường nhé
2. Thủ tục nhận nhà:
a. Đến tầng 2 Mường Thanh:
* Đối với thành viên vay vốn ngân hàng:
- Mang thông báo đóng tiền và giấy xác nhận sang ngân hàng để làm thủ tục giải ngân đợt cuối, đóng dấu treo vào giấy xác nhận
tới tầng 2 sàn Mường Thanh làm thủ tục đợt cuối.
- Mang UNC đợt cuối cho kế toán làm phiếu báo có đợt cuối
- Nộp tiền phí dịch vụ, đầu vào điện nước... (khoản 4.5tr) , nộp báo có vừa nhận và giấy xác nhận đã đóng dấu ngân hàng + 1 bộ hồ sơ tại mục 1 cho kế toán bàn 1,2 ----> Nhận lại phiếu thu phí dịch vụ + đầu vào điện nước và đề nghị bàn giao nhà và bô hồ sơ số 1 vừa nộp  để nhận bàn giao nhà
Ra ngay hàng photo để photo lại giấy đề nghị bàn giao nhà và phiếu thu vừa nhận thành 3 bản, kẹp lại vào 3 bộ hồ sơ
*Đối với thành viên không vay ngân hàng:
- Nộp tiền đợt cuối tại tầng 2 sàn Mường Thanh.
- Nộp tiền phí dịch vụ, đầu vào điện nước... (khoản 4.5tr); nộp 1 bộ hồ sơ tại mục 1 ----> Nhận lại phiếu thu phí dịch vụ + đầu vào điện nước và đề nghị bàn giao nhà và bô hồ sơ số 1 vừa nộp  để nhận bàn giao nhà
Ra ngay hàng photo để photo lại giấy đề nghị bàn giao nhà và phiếu thu vừa nhận thành 3 bản, kẹp lại vào 3 bộ hồ sơ
b. Qua BQL Tòa nhà (Sang HH3B)
- Nộp cho  BQL 1 bộ hồ sơ, kế toán BQL sẽ đưa hồ sơ cần điền cho mình điền thông tin vào hồ sơ bàn giao (các loại cam kết ), sau đó chờ gọi nhận chìa khóa nhà và biên bản bàn giao để check nhà (Nhà mình nhớ xin bản hoàn công điện nước nếu chưa nhận được nhé. Sau khi check cẩn thận, ký giấy biên bản bàn giao  (và giữ lại 1 bản) là mình chính thức sở hữu nhà rồi.
- Còn 2 bộ hồ sơ tại mục 1: Nếu tại sảnh làm ngay hợp đồng điện nước thì nộp 2 bộ đó để làm luôn, còn nếu ko làm luôn thì ta mang về, khi nào có người làm hợp đồng thì mình lại mang xuống để làm. (Thường thì bên điện lực sẽ làm luôn hơp đồng tại sảnh và sau khoảng 3 đến 5 ngày sẽ đóng điện cho cư dân, còn bên nước sạch thì sẽ làm hợp đồng sau khoảng 1 tháng vào ở nhưng vẫn có nước sử dụng ngay khi nhận nhà vì đó là do CDT cấp nước cho mình theo giá kinh doanh)
Lưu ý: Giữ thật cẩn thận BIÊN BẢN BÀN GIAO vì nó liên quan tới thủ tục làm sổ hồng, sổ hộ khẩu và tạm trú sau này. Sau này mà mất thì lại bị vòi 2tr/bản nhé (Kinh nghiệm bên VP5, KVKL đấy ạ)
II. KHI NHẬN BÀN GIAO
Nhận giấy biên bản bàn giao, chìa khóa phòng, Chúng ta lên mở cửa và kiểm tra số lượng thiết bị đi kèm và liệt kê đúng vào biên bản bàn giao thiết bị trước khi ký giấy biên bản bàn giao.
Chúng ta nên cầm theo 1 bản phụ lục hợp đồng (phần phụ lục có các nội thất đi kèm) đề đối chiếu với biên bản bàn giao (Thiếu thiết bị theo hợp đồng là việc rất hiếm khi xảy ra, nhưng chúng ta cẩn thận thì nên làm thế). Nếu thiếu thiết bị nào thì cần có ý kiến ngay.
1. Đo diện tích theo hợp đồng.
- Việc này ko cần thiết làm ngay, nhưng em vẫn hướng dẫn để mọi người nắm được
- Cách đo diện tích thông thủy: Tổng diện tích trừ diện tích cột, diện tích hộp kỹ thuật
image_gallery
2. Kiểm tra các thông tin khác
STT
Nội dung
Lưu ý
1
Bàn giao số lượng thiết bị
- Các bác căn cứ vào số thiết bị đi kèm được nêu trong hợp đồng. Khi kiểm kê đến đâu đánh dấu đến đó tránh thiếu về số lượng thiết bị
- Kiểm tra sản phẩm có cùng hãng, chất lượng ghi trong phụ lục hợp đồng  (bồn cầu loại gì, gạch loại gì …)
- Đếm số lượng bóng điện, số lượng automat, công tắc bật các thiết bị.
3
Kiểm tra nước, thiết bị vệ sinh
- Kiểm tra tất cả các đầu ổ nối, vòi nước có bị rò rỉ
- Gạt nước kiểm tra cẩn thận bồn cầu (tắc, rò rỉ…)
- Mở van nứơc tối đa, kiểm tra kỹ các đầu vòi, ống, cút nối có bị rò nước không, sau đó mở các vòi, xem có đủ áp lực ko, nếu ko đủ thường nó dính bụi bẩn ở trong lưới lọc hoặc do van giảm áp bị vặn quá mức.
- Kiểm tra đầu thoát nước có rò rỉ không: Xả đầy nước vào các thiết bị như lavabo sau đó mở nút xả. Nhìn phía ống xả đoạn nối xem có bị rò rỉ nước (cái này rất hay bị do thợ làm ẩu)
- kiểm tra nắp thoát sàn, xem có nắp ngăn mùi không, sau xả nước lên mặt sàn nhà VS xem có đủ dốc, thoát nc có nhanh không
- xả nước lên lôgia xem thoát có nhanh không, thử thoát nc máy giặt, thoát bếp nữa nhé ( mấy em này hay tắc lắm đó, tin em đi)
- Logia để 1 đầu chờ cho máy giặt. Nếu có thể, các bác lắp luôn vòi vào đó để kiểm tra xem nước ra có mạnh không nhé.
- Kiểm tra các van khóa nước tổng, khóa khu vực xem có hoạt động không (có nhà khi về mới biết van không có tác dụng, trờn ren ...)
4
Kiểm tra cửa
- Kiểm tra khóa tất cả các ổ
- Kiểm tra cẩn thận zoăng cao su tại các cửa sổ vì nếu chỗ đó không làm cẩn thận rất dễ bị ngấm nước mưa từ ngoài vào
- Kiểm tra  cửa có bị xước, vỡ (Cửa nhựa dễ vỡ khi bị vận chuyển va đập), các góc cửa kính dễ bị nứt...
5
Độ ngấm, tắc
(Mục này có thể kiểm tra sau khi nhận bàn giao cũng được cho đỡ mất thời gian vì sau khi về ở bị ngấm thì BQL vẫn lên sửa)
- Dùng 1 túi bóng kín, đổ đầy nước và buộc thật kín lại, đặt vào chỗ nắp thoát sàn để che không cho nước chảy xuống.
- Xả nước chảy đầy nhà và để khoảng mấy tiếng sau thì tháo cho thoát hết nước. Kiểm tra xem vị trí nào bị ngấm
- Liên hệ với tầng trên, làm tương tự để kiểm tra trần có bị ngấm?
(Nếu bị ngấm thì ảnh hưởng tới trần sau khi làm thạch cao nên cố gắng kiểm tra cẩn thận trước khi làm thạch cao)

Tất cả các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, nếu có sai sót gì nên báo ngay cho BQL trong tháng đầu vì khi đó bên các nhà thầu vẫn đang trực tại sảnh để lên làm luôn. Để sau thời gian đó, các nhà thầu đi sang tòa khác rồi thì gọi mất thời gian lắm.
III. CÁC VẤN ĐỀ CÓ THỂ LIÊN QUAN SAU KHI NHẬN
*  Các đề mục cần làm sau khi về:
- Các thủ tục hành chính đối với chính quyền: khai báo tạm trú, nhập hộ khẩu...
- Lắp đặt cửa sắt, lưới ban công an toàn
- Gia cố lại hệ thống đường nước và các đầu chờ
- Làm tủ bếp
- Lắp sàn gỗ, trần thạch cao
- Lắp đặt các nội thất khác...
* Các vấn đề khác liên quan đến cộng đồng
1. Thủ tục hành chính:
1.1. Làm tạm trú
- Ngay sau khi về ở, các hộ cần khai báo tạm trú với công an phường (làm khai báo tạm trú rất đơn giản, công an phường sẽ hướng dẫn tận tình ạ)
Lên phường xin giấy tờ về rồi mang lên phường nộp lại cùng các giấy tờ sau: Giấy bàn giao nhà, HĐMB nhà, CMT 2 vc, đăng ký kết hôn, giấy khai sinh các con, sổ hộ khẩu (tất cả đều photo), 2 ảnh 3x4 của người lớn.
  • Trước khi lên phường thì nên gọi điện cho công an phụ trách tòa mình để hẹn lịch trước vì các đồng chí ấy làm việc theo ca trực nên ko phải lúc nào cũng có mặt tại phường. Số điện thoại của công an phụ trách thường được ghi tại bảng tin của tòa nhà
Đối với những hộ có nhu cầu làm hộ khẩu ngay thì vẫn phải làm khai báo tạm trú trước tại phường rồi mới làm được Hộ khẩu thường trú.
1.2. Làm hộ khẩu
1.2.1 Hộ khẩu từ KT2 chuyển về (các huyện thuộc HN chuyển về HN)
-  Xin giấy cắt khẩu từ HK cũ (thủ tục xin từ CA Phường đến Quận là xong)
- Nộp hồ sơ lên Phòng đk hộ khẩu Công an Hoàng Mai, đúng cửa của P. Hoàng Liệt,  hs bao gồm:
+ Giấy cắt khẩu
+ Công chứng HK cũ (sau khi CA Quận có dòng chuyển đến P. Hoàng Liệt)
+  Hợp đồng mua bán nhà, nhớ mang gốc để đối chiếu. (nếu đi vay NH thì trình Hđồng tín dụng và BB bàn giao TS thế chấp gốc). tất cả giấy tờ này CA chỉ lấy bản sao, gốc mang đi để đối chiếu.
(Nếu HK cũ chỉ có năm sinh thì mang thêm Giấy khai sinh của người đó để họ điền chính xác ngày sinh vào HK mới)
- Ngồi khai thông tin theo mẫu vào vài trang giấy cho từng người chuyển khẩu cùng tốt nhất ko hiểu chỗ nào hỏi ngay e CA xinh đẹp nhận hồ sơ nhé.
- Lấy giấy hẹn sau 15 ngày lên lấy sổ và đóng phí 20k là xong (nếu ko có j trục trặc). E CA còn cho số đt để gọi trc khi đến hẹn
1.2.2. Hộ khẩu (chuyển từ tỉnh khác về )
- Đăng kí tạm trú với Công an phường (……..)      
- Chuẩn bị các giấy tờ: Đăng kí kết hôn, Giấy khai sinh các con, Hợp đồng mua nhà (nếu cắm ngân hàng rồi thì thay bằng Hợp đồng thế chấp tài sản), Biên bản bàn giao nhà; Quyết định bổ nhiệm hoặc Quyết định điều động, hoặc Quyết định thăng cấp nâng lương và Giấy giới thiệu của Cơ quan đối với Công chức, lực lượng vũ trang; Hợp đồng không xác định thời hạn và Giấy giới thiệu cơ quan đối với người làm việc theo chế độ HĐ ko xác định thời hạn; Chuẩn bị xong liên hệ với nơi đang đăng kí thường trú xin Chuyển khẩu về địa chỉ mới
- Mang tất tần tật những cái trên đến Công an quận Hoàng Mai (phía cổng sau) xin Bản khai nhân khẩu, Phiếu báo thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu kê khai và nộp hồ sơ (Nếu muốn nhanh có thể xin mẫu về khai trước hoặc tải mẫu trên mạng Thông tư 36/2014 của Bộ Công an, hoặc mẫu cũ theo Thông tư 81/2011 của Bộ Công hiện nay vẫn dùng được).
- Lưu ý cứ là công chức, LLVT hoặc người làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn thì ko cần điều kiện 2 năm tạm trú liên tục.      
- Nộp hồ sơ xong khi nào đến lấy chuẩn bị 20.000đ để nộp lệ phí
Công an Quận Hoàng Mai làm việc cả sáng thứ 7 nhé, bác nào cần làm Hộ khẩu thì đến vào các buổi sáng từ thứ 2-7 đều tiếp nhé! Buổi chiều không nhận hồ sơ làm Hộ khẩu (chỉ trả kết quả).

2. Lắp đặt cửa sắt, khung cửa sổ ô thoáng, lưới an toàn
2.1. Cửa sắt, khung cửa sổ, ô thoáng
Lắp đặt hệ thống cửa sổ, khung cửa sổ và ô thoáng là việc cần làm ngay khi về ở.
- Cửa chính của các căn hộ đều là cửa nhựa bên trong lõi là sợi thủy tinh, tác dụng lớn nhất là chống cháy. Tuy nhiên, loại cửa này rất dễ phá vỡ khi dùng lực mạnh. Do đó cần lắp bộ cửa sắt bên ngoài tạo tính an ninh cho căn hộ.
- Mặt khác, những ngày hè, chung cư chúng ta rất nhiều gió khi mở cửa. Do đó, khóa cửa sắt và mở cửa chính để tạo tính thông thoáng đón gió cho nhà mình là 1 lợi thế (mùa hè mở cửa chính và cửa ban công sẽ rất mát, không cần điều hòa đối với các căn tầng cao)
- Khung ô thoáng: đề phòng kẻ gian phá cửa ô thoáng vào bên trong. (Đã xảy ra ở bên Kim Lũ)
- Cửa sổ phòng ngủ: Tạo tính an toàn đối với các cháu nhỏ. Nhiều cháu nhỏ hiếu động có thể trèo lên ghế để nhòm qua cửa sổ. Việc này rất mất an toàn cho các cháu.
Hiện nay giá cả mỗi cửa hàng 1 khác . Giá tùy thuộc vào chất liệu và độ dày của cửa. Để phân biệt chúng ta lưu ý xem cửa sắt có phải sơn tĩnh điện hay không (sơn tĩnh điện đăt hơn), và độ dày của ống sắt (12mm, 18mm).
* Giá tham khảo:     Cửa sắt : 1,6 triệu/bộ;
            khung sắt ô thoáng: 250k/bộ, khung sắt cửa sổ: 500k/bộ
2.2. Lưới an toàn:
Công dụng: che chắn an toàn tại khu ban công đối với trẻ nhỏ; chắn bay quần áo khi có gió lớn...
Lưu ý: Yêu cầu thợ làm thêm nan ngang cho bộ lưới và kéo căng để tạo độ chắc chắn cho bộ lưới.
3. Làm lại hệ thống đường nước, đường điện
Trước khi làm nội thất, các hộ thường phải đi lại đường điện nước đầu tiên cho phù hợp công năng.
* Đường điện:
- Cần xác định trước các dụng cụ cần sử dụng điện tại từng khu vực để lên kế hoạch về các ổ điện cho phù hợp. VD khu vực bếp cần ổ cho bếp từ, lò vi sóng, lò nướng, nồi cơm, máy xay, máy lọc nước.... tránh trường hợp thiếu ổ điện lại phải đi ổ điện nổi rất thiếu thẩm mỹ.
- Hệ thống dây điện tại khu vực bếp nên dùng loại dây tiết diện lớn.
- Khi làm hệ thống đường điện cần nghiệm thu loại dây điện với đơn vị thi công trước khi thi công (vì giá của mỗi loại là khác nhau), theo dõi sơ đồ thay đổi để ước lượng khối lượng thiết bị thực tế khi thanh toán.
- Khi chay đường điện, đường chờ điều hòa, cần kiểm tra lượng ống đồng và dây điện thực tế. Nhiều khi mình ko kiểm tra thực tế trước khi làm là thợ sẽ tính quá số thực tế.
- Khu vực nhà vệ sinh nên lắp thêm đường điện nữa cho bóng sưởi, hút mùi nếu có nhu cầu (hiện tại chỉ có 1 công tắc cho 2 đường điện là bình nóng lạnh và bóng điện)
- Khi chạy lắp đặt cục nóng điều hòa nên định hướng rõ khu vực đặt dàn phơi. Nhiều hộ lắp đặt cục nóng xong thì ko còn chỗ để lắp giàn phơi.
* Đường nước
- Quấn lại băng tan tại tất cả các điểm nối, đầu chờ, đầu ghen của đường nước(ống cấp nước cho lavabo, sen tắm, bệt...). Sau đó vít xi măng trắng vào các đầu ra để tránh trường hợp nước rò rỉ làm rỉ sét các đầu, lâu ngày sẽ ngấm vào tường.
- Riêng khu vực ban công chỉ có 1 đầu chờ nước cho máy giặt. Các hộ nên lắp thêm 1 đường chờ nữa cho vòi nước ngoài ban công dự phòng những khi cần thiết.
4. Làm tủ bếp
Khi các hộ về, thường nhà nào cũng làm tủ bếp ngay khi vào ở. Các nhà thường làm tủ bếp bằng gỗ. Tuy nhiên không phải ai cũng đã hiểu về các loại gỗ làm tủ bếp. Em tổng quan về gỗ làm tủ bếp như sau:
Gỗ làm tủ bếp có 2 dòng: Gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp
4.1. Gỗ tự nhiên
Ưu điểm gỗ tự nhiên: Chống ẩm tốt, chắc chắn.
Nhược điểm: Dễ cong vênh, mối mọt nếu thợ không tẩm sấy tốt, màu sắc không phong phú
Các loại gỗ tự nhiên thông dụng hiện nay để làm  tủ bếp: Xoan đào, Tần bì, sồi mỹ, sồi nga (hiện nay sồi nga rất hiếm, mọi người thường hay nhầm giữa tần bì và sồi nga vì vân gỗ gần giống nhau nên khi thơ gỗ thường làm tần bì nhưng nói là sồi nga)....
- Giá tham khảo: rẻ nhất là xoan đào (khoảng dưới 3tr/md), tần bì khoảng 3,6tr/md, sồi mỹ khoảng 4,2tr/md
4.2. Gỗ công nghiệp
* Ưu điểm: Tính thẩm mỹ cao, không cong vênh mối mọt
* Nhược điểm: Chịu nước kém
* Lưu ý: Gỗ công nghiệp có cấu tạo là gồm 2 phần: lớp cốt (lõi) và lớp phủ bên ngoài
- Lớp cốt có thể chọn 1 trong các loại: MFC, MDF, HDF (lõi xanh chống ẩm). Hiện nay nên chọn HDF (thợ thường đưa là MDF lõi xanh) vì chất lượng tốt, chống ẩm cao
-  Lớp phủ có thể chọn: Sơn bả 2k (sơn bề mặt chống ố vàng), Vernere (dán các vân gỗ theo sở thích), laminate(lớp dán màu tùy thích), acrylic(dán màu tùy thích, độ bóng cao, và là dòng cao cấp).
Các bác chọn gỗ công nghiệp có thể chọn 1 trong các loại cốt trên kết hợp với 1 trong các loại lớp phủ trên để được sản phẩm tùy chọn.
- Đối với những nhà chọn màu trắng thì nên chọn phủ sơn bả 2k hoặc acrylic; còn chọn màu hoặc vân gỗ thì có thể chọn vernere hoặc laminate vì laminate làm màu trắng rất lộ tại các điểm bo cạnh nên không đẹp.
- Đặc biệt đối với tủ bếp là nơi tiếp xúc với nước nhiều nên dễ ẩm ướt. Do đó nên dùng gỗ tự nhiên cho thùng (khung) của tủ để chịu ẩm tránh hỏng khung. Cánh có thể làm gỗ CN theo sở thích vì cánh gỗ CN không bị co ngót giãn nở, tạo thẩm mỹ cao.
* Giá tham khảo: HDF sơn bóng cứng 2K: 3,2tr; HDF phủ vernere sồi: 3,4tr; HDF phủ laminae: 5,5tr; HDF phủ acry: 6tr...
5. Sàn gỗ, trần thạch cao
* Sàn gỗ:
Em được biết các đơn vị sàn gỗ đều lấy từ 1 kho tổng ra hết. Nên mọi người cứ so sánh giá của cùng 1 chủng loại, thấy đơn vị nào thấp thì lấy.
Để đánh giá được sàn tốt chịu nước hay không, các bác cứ xin 2 miếng mẫu của loại đã chọn về. về nhà lấy 1 miếng cho vào nước ngâm khoảng 1 buổi. Sau đó lấy ra so sánh với miếng còn lại xem có bị nở nhiều không (các đơn vị thường hay quảng cáo ngâm nước thoải mái nhưng chỉ cho 1 miếng gỗ về để tự ngâm thử là thủ thuật vì mắt thường nhìn 1 miếng gỗ như thế sẽ không phân biệt được độ giãn nở). Muốn biết độ giãn nở như nào thì đặt 2 miếng vào xem có ghép được không. Sau đó, để miếng gỗ ẩm kia vài ngày cho khô, ghép vào miếng còn lại mà thấy khớp vào khe thì là chất lượng tốt (chứng tỏ sau khi bị nước vẫn có thể hoàn lại chất lượng ban đầu,. Chắc chắn nó sẽ không được 100% ban đầu đâu ạ)
* Thạch cao:
- Trước khi làm trần thạch cao, các bác đặc biệt liên hệ với tầng trên nhà mình để test độ ngấm của nhà trên đối với trần nhà mình trước. Nếu thấy ko ngấm, ẩm gì thì có thể yên tâm tiến hành làm trần.
- Giá Thạch cao liên quan đến vật liệu sử dụng.
+ Khung xương: khung xương đang dùng thịnh hành là khung Vĩnh tường. Nhưng Cùng khung xương vĩnh tường lại có loại eco rẻ hơn Basic.
+ Tấm thạch cao: Thường yêu cầu sử dụng tấm của Thái
+ Sơn cũng ảnh hưởng đến giá thành: Nếu giá thành cao thì sử dụng sơn duluxe, giá thành thấp thì dùng maxilite
Nên khi đàm phán giá thì các bác hỏi luôn sử dụng khung và tấm thạch cao, sơn loại nào để so sánh giá nhé.
  • Yêu cầu thờ đan khung dày 1 chút thì sau này đỡ lo bị xệ trần, độ bền sẽ cao hơn
  • Đến mục bả thạch cao, các bác nhớ giám sát thợ. Yêu cầu thợ bả đều tay, trà nhám đều và phẳng trước khi sơn phủ.
Giá tham khảo: 190k/m (thường giá này sử dụng khung vĩnh tường eko, sơn maxilite, tấm thái)
7. Giàn phơi thông minh
Hiện nay có nhiều loại giàn phơi. Tại HH thì đa phần dùng loại của Hòa Phát củ đồng.
Khi chọn mua giàn phơi, quan trọng nhất là bộ quay, nên kiểm tra xem tay quay có chắc chắn, dây phơi có bị rối trong củ quay ko, hạ dây phơi khi  không có đồ xuống xem có hạ được không (Cái này chỉ kiểm tra được sau khi lắp lên)
Giá tham khảo: từ 900k – 1 triệu/bộ
6. Các khoản mục khác:
* Bếp từ, hút mùi, quạt trần:  MR Quân (Coca’s PaPa) – cư dân HH3b chia sẻ trực tiếp tại buổi off
* Sửa chữa căn hộ sau khi bàn giao: MR Minh Khang – admin group “Cư dân HH 1-2-3-4 Linh đàm” chia sẻ trực tiếp tại buổi off
* Các vấn đề về phong thủy căn hộ, ban thờ, thờ cúng nhập trạch... : MR Đinh Trung Tuyến – admin group “Cư dân HH 1-2-3-4 Linh đàm” chia sẻ trực tiếp tại buổi off
* Các vấn đề về phòng cháy chữa cháy: MR Long Quang Dao, Mạnh Hà – cư dân HH3b chia sẻ trực tiếp tại buổi off
Để có được bài viết này, em đã tìm hiểu thông tin và thực tế từ nhiều nguồn khác nhau. Và đặc biệt nhận được sự hỗ trỡ thông tin rất nhiều từ ban admin group “Cư dân HH1-2-3-4 Linh Đàm”, Các đơn vị bán hàng, các thành viên tại group “Cư dân HH1-2-3-4 Linh Đàm” như:
+ Anh Nam - Đơn vị Kim Liên, Anh Trong Duong- đơn vị Clever home, Anh Thái - đơn vị Milihome đã cung cấp, chia sẻ 1 số thông tin về gỗ, tủ bếp
+ Anh Thái - Đơn vị Sàn gỗ Thái Trinh đã chia sẻ thông tin về sàn gỗ
+ Anh Coca’s Papa đã chia sẻ thông tin về quạt trần, thiết bị bếp, hút mùi....
Và 1 số đơn vị khác đã cung cấp thông tin chung về giá cả tham khảo để các thành viên nắm được đôi chút về thị trường.
Xin được cảm ơn sự giúp đỡ của các anh chị em!
T/M Admin group “Cư dân HH3b”
Ánh Tuyết
Nguồn : facebook Cư Dân HH1-2-3-4 Linh Đàm